Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

PGS Trần Văn Độ: 'Lương thẩm phán 4-5 triệu thì sao liêm chính nổi'

Sáng 24/3, tại Hội thảo về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp do Ban Nội chính trung ương tổ chức, nhiều đại biểu thẳng thắn chỉ ra những nguy cơ phát sinh tiêu cực trong hoạt động của ngành toà án.

"Lương tháng 4-5 triệu thì sao liêm chính nổi"

PGS Trần Văn Độ, nguyên phó chánh án Toà án nhân dân tối cao thông tin từ năm 2012-2014 đã có hơn 140 cán bộ tư pháp bị xử lý vi phạm, 23 người trong số đó có hành vi tham ô, nhận hối lộ trong hoạt động công vụ.

"Song không phải chỉ có chừng ấy đâu, do phát hiện chưa được thôi. Pháp luật hiện nay chưa quy định xử lý cụ thể sau khi phát hiện tham nhũng mà chủ yếu mang tính hình thức, hô hào. Tính thực thi rất thấp", ông Độ đánh giá.

pgs-tran-van-do-luong-thm-phan-4-5-trieu-thi-sao-liem-chinh-noi

Ông Trần Văn Độ, nguyên phó chánh án toà án nhân dân tối cao. Ảnh: HP.

Theo ông Độ, khâu tiếp nhận đơn khởi tố hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự "dễ nảy sinh tham nhũng nhất". Bởi đây là giai đoạn đầu của quá trình tố tụng khi người dân, doanh nghiệp chính thức yêu cầu toà bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Thẩm phán có thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp nhằm "vòi vĩnh" thì mới giải quyết hồ sơ...

Ngoài ra, việc phân công thẩm phán hiện nay không khách quan, bởi chánh án nếu không công tâm sẽ chọn thẩm phán thân quen, dễ bảo để định hướng xử lý có lợi cho đương sự.

"Muốn liêm chính phải tạo điều kiện cho anh em liêm chính, phải sống được bằng nghề. Lương tháng thẩm phán 4-5 triệu đồng mà tiền học mỗi tháng của con cũng tương đương rồi, ngồi gặp đương sự thấy tay họ vân vê nhẫn vàng, nhẫn kim cương đã sáng mắt lên thì làm sao liêm chính nổi", ông nói.

Ông Độ nói muốn tạo điều kiện nuôi dưỡng sự khách quan, minh bạch cần đảm bảo cuộc sống cho thẩm phán để họ không bị chi phối bởi đương sự, lãnh đạo và các cấp có thẩm quyền. 

"Hoạt động tư pháp nếu để xảy ra tham nhũng sẽ rất nguy hại bởi tư pháp là bước cuối cùng để thực thi công lý. Công lý hối lộ thì không phải là công lý nữa", ông nói.

Cái gì cũng có thể "chạy"

Giáo sư Trần Ngọc Đường, nguyên ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội nêu thực trạng "cái gì cũng chạy": chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy án… "Đến án cũng "chạy" thì không có cái gì không "chạy" được", ông nói.

Theo ông Đường, tình trạng này do hệ thống tố tụng chưa bít kín những lỗ hổng. Ông chỉ ra hai lỗ hổng lớn đó là "chưa độc lập trong xét xử" và pháp luật hiện chưa ngăn cấm một cách tuyệt đối mối quan hệ giữa những người trong hội đồng xét xử với luật sư, đương sự. Ông cho rằng làm thế nào để không có sự tiếp xúc giữa hai bên cũng chính là bịt kín được lỗ hổng phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

"Nếu bít kín thì tôi đố mà "chạy" được. Tôi từng nghe một chánh án ở tòa án Australia nói mà nhớ mãi, đó là hơn 40 năm làm thẩm phán, ông ấy thấy sung sướng vì chưa từng nhận một cú điện thoại hoặc ai đó, kể cả người thân nhờ vả vấn đề gì trong hoạt động xét xử", ông Đường kể.

Minh bạch trong hoạt động tư pháp

Nhiều đại biểu cho rằng, muốn hạn chế tham nhũng phải minh bạch trong hoạt động tư pháp. Nhiều năm theo dõi hoạt động này, Phó tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhận thấy có sự mất cân bằng trong nỗ lực tìm kiếm, phát hiện tham nhũng với những chính sách phòng chống tham nhũng. Những quy định hiện nay còn khái lược, tư pháp vẫn là lĩnh vực khép kín, ít phải đối mặt với người dân, công luận so với các ngành khác như hành chính nhà nước.

Ông kiến nghị cần đẩy mạnh minh bạch hoá hoạt động này. Phân công thẩm phán ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn do chánh án quyết định, dễ tạo điều kiện cho "bóp méo cạnh tranh". Trong khi ở nhiều nước họ bốc thăm phân chia theo vòng thẩm phán xét xử chứ chánh án không có quyền chỉ định. Cần phải làm sao để thẩm phán và những người giúp việc được lựa chọn một cách ngẫu nhiên để giảm bớt sự "móc ngoặc" với nhau.

Ông Đặng Bá Cường, Trưởng ban Nội chính Thành uỷ Hải Phòng chỉ ra nếu không ngăn chặn được tham nhũng trong hoạt động tư pháp thì không thể ngăn tham nhũng trong các lĩnh vực khác. Tham nhũng trong tư pháp ảnh hưởng niềm tin của nhân dân với công lý, với chế độ chính trị, còn dẫn đến mối quan hệ cộng sinh của cán bộ tư pháp với thế giới tội phạm.

Đây cũng là lĩnh vực khó phòng ngừa tham nhũng nhất vì hoạt động này khép kín. Dù đã có quy định về quyền giám sát của các cơ quan dân cử như Mặt trận tổ quốc nhưng vẫn vướng ở khả năng thực hiện, nhân lực không nên chủ yếu mang tính hình thức. Chưa kể Ban Nội chính các tỉnh vẫn còn lấn cấn trong việc thực hiện quyền giám sát. Vì thế ông Cường cho rằng cần hoàn thiện thể chế để đảm bảo việc giám sát của toàn xã hội với hoạt động tư pháp.

Thái Mạc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét