Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Bệnh tâm thần - 'bùa hộ mệnh' của những kẻ gây án

Dù hai lần TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triệu tập lên làm việc nhưng Đào Thị Thu Thảo (35 tuổi, giám đốc chi nhánh một công ty ở Vũng Tàu) - chủ mưu vụ tiêm máu nhiễm HIV vào con trai của tình địch - không đến vì lý do "đang điều trị bệnh tâm thần".

Năm 2014, biết bạn trai có con 3 tuổi với người khác Thảo nổi cơn ghen tức. Sau nhiều tháng lên kế hoạch bắt cóc đứa nhỏ bất thành, giữa năm 2015 chị ta chi 120 triệu đồng thuê Lê Trung Linh (33 tuổi) và Huỳnh Văn Thế (32 tuổi) mua máu nhiễm HIV chích vào người cháu bé.

Quá trình điều tra Thảo được cho là bị bệnh trầm cảm nặng, có triệu chứng loạn thần. Kết quả giám định pháp y hồi năm ngoái xác định "tại thời điểm gây án và hiện nay đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi".

Nhờ đó, Thảo được VKS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đình chỉ điều tra bị can và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau gần hai tháng chữa trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương Biên Hòa, hồi tháng 9/2016 tình trạng bệnh của Thảo đã ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa nhưng VKS không phục hồi điều tra.

Từ chủ mưu, Thảo được xác định là "nhân chứng" trong vụ án. Chị ta quay lại cơ quan xin tiếp tục công việc cũ nhưng khi tòa chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử lại "tiếp tục điều trị bệnh". Là người được Thảo thuê thực hiện dã tâm, Linh thừa nhận hành vi phạm tội và khẳng định trước HĐXX "bà Thảo không hề bị bệnh tâm thần".

TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau đó trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung do "kết quả giám định tâm thần Thảo có nhiều nghi vấn, mâu thuẫn với thực tế khách quan".

benh-tam-than-bua-ho-menh-cua-nhung-ke-gay-an

Cường gây hàng loạt vụ án nhưng được hưởng mức án nhẹ nhờ bệnh án tâm thần. Ảnh: H.D

Là giang hồ Sài Gòn với nhiều chiến tích vào tù ra khám, năm 2006, Đỗ Tiến Cường (46 tuổi) lập đường dây cho vay nặng lãi, đâm thuê chém mướn trong thế giới ngầm. Mua khẩu súng K54 200 USD, hắn luôn mang theo người để thị uy đàn em.

Nổi tiếng đào hoa, Cường có đến 3 vợ và năm bảy người tình. Năm 2009, nghi ngờ bồ nhí quan hệ lén lút với đàn em Bùi Công Trung (52 tuổi), Cường gọi họ đến khách sạn tra hỏi.

Bị đánh đập, cô gái sợ hãi "nhận tội". Trung không thừa nhận "léng phéng" với bồ của đại ca nên bị hắn cắt gân chân.

Do sử dụng ma túy quá liều, Cường rối loạn tinh thần, luôn ám ảnh bị kẻ dưới trướng qua mặt. Ngày 15/6/2009, gã sai đàn em gọi Trung ra ngoài đường cho mình bắn để xả giận khiến anh này bị thương tật 17%.

Trong chuyến đi thăm vợ bé ở Bạc Liêu, Cường còn rút súng truy đuổi và bắn một người sau va chạm khiến anh này bị thương. Anh ta liên tục gây án, song cơ quan chức năng phải tạm đình chỉ điều tra, đưa đi chữa bệnh.

Nhờ có bệnh án rối loạn tâm thần thể ghen tuông… năm 2012, gã giang hồ được TAND TP HCM xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt, tuyên 13 năm tù về các tội Giết người và Tàng trữ vũ khí quân dụng. 

Còn Nguyễn Đăng Thành (35 tuổi), sau khi đoạt mạng con gái của GS.TS Khoa học tại Sài Gòn vì không được đáp lại tình cảm, gã "hóa điên"Trong nỗi đau mất mát tột cùng, gia đình nạn nhân muốn Thành bị trừng trị thì anh ta lại được tạm đình chỉ điều tra để đưa đi chữa bệnh.

Sau gần 6 năm chữa trị, cuối năm ngoái, Thành mới được đưa ra xét xử. Vẻ căng thẳng nhưng khá tỉnh cáo, Thành nhận tội và xin lỗi gia đình nạn nhân.

Với hành vi mang tính côn đồ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, đáng lẽ Thành phải nhận mức án cao nhất. Tuy nhiên, do có bệnh án tâm thần anh ta được HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt, tuyên án chung thân

benh-tam-than-bua-ho-menh-cua-nhung-ke-gay-an-1

Sau khi sát hại người mình yêu đơn phương, Thành bị tâm thần phải điều trị gần 6 năm. Ảnh: Q.B.

Không chỉ có người Việt, Jones Nathan Andrew James (35 tuổi, quốc tịch Australia) từng bị bắt về hành vi vận chuyển hơn 3 kg ma túy lên máy bay trong lần cùng vợ con sang Việt Nam du lịch. Với lượng ma túy đặc biệt lớn, James bị truy tố với mức án cao nhất.

Tuy nhiên, trong phiên xử hồi tháng 5/2016, TAND TP HCM chỉ áp dụng án chung thân do James có tiền sử về bệnh tâm thần.

Nguyên Phó tòa Hình sự TAND TP HCM Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết, theo quy định của pháp luật, những người bị tâm thần hoặc hạn chế về nhận thức khi gây án được miễn hoặc giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Nhưng cũng có trường hợp giả bệnh tâm thần, làm "bùa hộ mệnh" để trốn tránh bị pháp luật xử lý. Việc này có thể khiến gia đình người bị hại bức xúc.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp khi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có tính man rợ... tòa có thể không cần thiết áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Như trường hợp một bị cáo trong thời gian được tạm đình chỉ về hành vi trộm cắp để chữa bệnh tâm thần do ảnh hưởng của ma túy đã ra tay sát hại rất dã man người đàn ông mua đồ cũ bằng búa. Lúc ra tòa anh này nói không nhớ đập bị hại bao nhiêu nhát.

"Tòa sau đó vẫn áp dụng hình phạt cao nhất đối với anh ta dù có thêm tình tiết giảm nhẹ gia đình có công với cách mạng...", cựu thẩm phán nói.

Đối với trường hợp nữ giám đốc thuê người lên kế hoạch bắt cóc rồi tiêm máu nhiễm HIV vào người cháu bé nhưng không bị truy tố, theo bà Thuỷ, việc xác định lại người này có đủ năng lực nhận thức hành vi phạm tội hay không là rất cần thiết. 

Bình Nguyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét