Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Lao động tự do muốn đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu

Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về các đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội như sau:

“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ một tháng đến dưới 3 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này”.

Đối chiếu với trường hợp của bạn, bạn là lao động tự do không làm việc theo Hợp đồng lao động. Vì vậy bạn thuộc trường hợp tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện theo khoản 4 Điều 2 nêu trên.

Về mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo khoản 2 Điều 5: “Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn”.

Thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

“Điều 97. Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội

1. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:

a) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;

b) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động”.

Sau khi chuẩn bị hồ sơ tham gia Bảo hiểm xã hội, bạn nộp hồ sơ tại Cơ quan Bảo hiểm xã hội theo Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

“Điều 99. Giải quyết đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội

1. Việc giải quyết đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu như sau:

a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

b) Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nộp hồ sơ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động nộp hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội trong thời hạn sau đây:

a) 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc lần đầu;

b) 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lần đầu;

c) 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội; trường hợp quá trình xác minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phức tạp thì không quá 45 ngày. Trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này”.

Như vậy, theo những quy định trên, để tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, bạn chuẩn bị Hồ sơ và nộp tại Cơ quan Bảo hiểm. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cơ quan Bảo hiểm sẽ giải quyết và cấp sổ Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho bạn. Khi đó, bạn sẽ đóng bảo hiểm theo mức mình lựa chọn và được hưởng các chế độ về Bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét