Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Bạn bảo vệ mình thế nào khi phát hiện cây xăng gian lận

Một sáng giữa tháng 3/2016, người đàn ông đến đổ xăng xe máy tại cây xăng ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Giá xăng 14.020 đồng một lít nhưng ông thấy cây xăng này lại hiển thị 14.220 đồng. Trước việc nhân viên cây xăng cáu kỉnh không trả lời thắc mắc của mình, ông bực bội thông báo sự việc với nhà chức trách.

Ba ngày sau, đội quản lý thị trường số 4 của Hà Tĩnh đến kiểm tra, kết luận cây xăng trên đã tự ý tăng giá xăng mỗi lít 200 đồng. Tổng lượng xăng đã gian lận ước chừng hơn 10 khối xăng. Cây xăng bị lập biên bản, xử phạt và truy thu gần 20 triệu đồng, tước giấy phép hoạt động 2 tháng.

Một cửa hàng xăng dầu lớn trên phố Trần Khát Chân, Hà Nội bị khách hàng nghi ngờ bán hàng gian lận nên trình báo công an. Sai hơn 4 tháng điều tra, những ngày cuối cùng của năm 2015, đội quản lý thị trường 14, phối hợp với công an đã phát hiện các cột bơm đều được gắn chíp điện tử để ăn bớt 5% lượng xăng bán ra. Đầu năm 2017, cả cửa hàng trưởng và nhân viên đều bị TAND Hà Nội tuyên phạm tội Lừa dối khách hàng.

Luật sư Trần Đức Hoàng, Công ty Ezlaw cho biết, điều 22 của Nghị định 97/2013/NĐ-CP, ở mức độ nhẹ, hành vi tác động, điều chỉnh, làm sai lệch kết quả đo hoặc sử dụng các thiết bị khác để điều chỉnh sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép sẽ bị phạt tiền từ 35.000.000 đến 50.000.000 đồng.

Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đến 6 tháng, tịch thu chứng chỉ kiểm định đến 6 tháng và tịch thu phương tiện đo và các thiết bị khác.

Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị phạt tù về tội Lừa dối khách hàng, theo điều 162 Bộ luật hình sự 1999.

Căn cứ Luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, khách hàng bị cây xăng gian lận một hay nhiều lần, dù thiệt hại ít hơn hay lớn hơn 2 triệu đồng đều có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại bằng cách khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại.  

Có thể lựa chọn những cách sau:

- Thông qua các Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, các Văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng ở địa phương để khiếu nại đến tổ chức, cá nhân gian lận xăng hoặc khiếu nại lên các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Khiếu nại lên các cơ quan quản lý nhà nước: Sở Thương mại/Sở Thương mại và Du lịch các tỉnh, thành phố; Cục Quản lý cạnh tranh; Các cơ quan chuyên ngành có liên quan (Cục Quản lý thị trường, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Cục Xúc tiến thương mại…).

- Cũng có thể khởi kiện vụ việc ra cơ quan toà án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp có đủ căn cứ xác đáng và tổ chức, cá nhân gian lận xăng không giải quyết thỏa đáng quyền lợi hợp pháp của mình.

Bảo Hà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét