Ông Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho hay: "Số người được đặc xá năm nay ít hơn bởi quá trình xét duyệt chặt chẽ và khắt khe hơn nhằm hạn chế việc tái phạm tội nguy hiểm".
Ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án thường trực TAND Tối cao, cho hay (cựu tổng giám đốc PMU 18) có đơn xin được đặc xá đợt này, tuy nhiên theo quyết định của Chủ tịch nước thì không đủ điều kiện. Ông Dũng bị kết án 23 năm tù về 4 tội, đã chấp hành hình phạt hơn 10 năm, gần đây do bị bệnh hiểm nghèo được tạm đình chỉ thi hành án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự, phạm nhân là văn nhân, trí sĩ... thường chấp hành nghiêm túc nội quy trại giam, tính hướng thiện rất cao. Vì vậy, chính sách khoan hồng với những người này là rất cần thiết.
Tuy nhiên với người xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy hay những người coi việc phạm tội thành “nghề” thì việc xem xét đặc xá cần "vô cùng chặt chẽ, thận trọng".
Theo ông Bằng, đợt đặc xá này có gần 150 người phạm tội về kinh tế, một người xâm phạm an ninh quốc gia. Từ ngày mai, gần 4.200 phạm nhân sẽ bắt đầu rời trại giam.
Theo Quyết định đặc xá năm 2016 của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tiêu chuẩn để xem xét là phạm nhân cải tạo tốt, chấp hành án phạt tù ít nhất 1/2 thời gian hay 15 năm với án phạt tù chung thân; liên tục được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại...
Người bị kết án từng có chức vụ trong các tổ chức xã hội... nếu được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam đề nghị thì sẽ được xem xét.
Phạm nhân lập công lớn, người từng đạt danh hiệu Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, người trên 70 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa thành niên, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… sẽ được xét nếu chấp hành ít nhất 1/3 thời gian tù và 13 năm với người bị kết án chung thân được giảm xuống tù có thời hạn.
Theo Bộ Công an, từ năm 2009 đến 2016, Việt Nam đã thực hiện 6 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho gần 90.000 phạm nhân. Đại đa số người được đặc xá trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện, tỷ lệ tái phạm thấp.
Đợt đặc xá năm 2015 có 18.500 người, sau 6 tháng có 83 trường hợp tái vi phạm pháp luật, chiếm tỷ lệ 0,44%. Trong số này 18 người bị xử lý hình sự, 43 người bị xử lý hành chính, 22 người đang trong quá trình xử lý.
Bảo Hà
>>
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét