Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

Ba lỗi có thể xử phạt cửa hàng 'chỉ bán cho khách Trung Quốc'

Chiều 31/3, tỉnh Quảng Ninh cho dừng việc kinh doanh của một số điểm bán hàng tại thành phố Hạ Long bị cho là chỉ bán hàng cho khách Trung Quốc, từ chối khách Việt những ngày qua. Trước đó Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh này xác minh, xử lý nghiêm những cửa hàng đó.

Luật sư Vũ Tiến Vinh (Công ty Luật Bảo An, Hà Nội) biết việc một số cửa hàng ở Hạ Long, Quảng Ninh chỉ bán hàng cho người Trung Quốc có thể chỉ là một chiêu thức kinh doanh lữ hành được thực hiện liên kết giữa nhiều bên. Tuy nhiên, trên phương diện pháp lý, những hành vi này cũng vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Thứ nhất, việc niêm yết, thanh toán bằng ngoại tệ trong các điểm kinh doanh này là vi phạm tại điều 3 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư này (như Ngân hàng, tổ chức tín dụng, hải quan, công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan Nhà nước khác tại các cửa khẩu của Việt Nam…), mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.

Người vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bị xử phạt từ 200.000.000 đến 250.000.000 đồng. Người bán hàng còn bị tịch thu số ngoại tệ mà các bên đã giao dịch, thanh toán.

Thứ hai, việc thanh toán bằng ngoại tệ nếu bị phát hiện có hành vi gian lận thuế (không khai báo, không xuất hóa đơn, trốn thuế…) làm thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh sẽ bị xử lý hình sự về tội Trốn thuế. Hình phạt tối đa là 7 năm tù.

Thứ ba, khách hàng đến mua hàng mà bị đuổi không cho vào là hành vi xúc phạm danh dự người tiêu dùng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 185/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, hành vi này bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 30.000.000 đồng. Mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi ép buộc khách hàng mua hàng trái ý muốn của họ.

Ngoài các vi phạm trên, cơ quan chức năng còn có thể điều tra về các hành vi kinh doanh trái phép, kinh doanh hàng cấm, gian lận thương mại, lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để trục lợi. Tuy theo vi phạm cụ thể mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan.

Bảo Hà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét